CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH VIÊM TỤY CẤP

CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH VIÊM TỤY CẤP

  1. Khái niệm

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm lan tỏa, cấp tính của nhu mô tụy bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận cũng như các biến chứng toàn thân. Viêm tuỵ cấp là bệnh tổn thương viêm nhu mô tuyến tuỵ cấp tính từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong.

Viêm tụy cấp là một bệnh thường được gặp ở khoa cấp cứu các bệnh viện với bệnh cảnh cơn đau bụng cấp và ngày càng phổ biến với tần suất mắc vào khoảng 25 – 75 trường hợp/100.000 dân/năm, trong đó 10-30% là viêm tụy cấp nặng và có thể dẫn đến tử vong

  1. Nguyên tắc chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh viêm tụy cấp

2.1. Viêm tụy cấp thể nhẹ – trung bình

  • Thời điểm cho ăn đường miệng: 3 -7 ngày sau nhập viện, hết đau bụng.
  • Năng lượng: 2 ngày đầu 15 – 20 kcal/kg cân nặng, sau đó tăng 25 – 30 kcal/kg cân nặng, protein 1,2 – 1,5 g/kg cân nặng, chất béo 0,7 – 1 g/kg cân nặng.

2.2. Viêm tụy cấp thể nặng

Viêm tụy cấp thể nặng gồm 3 giai đoạn:

* Giai đoạn cấp:

  • Nuôi qua ống thông:
  • Thời điểm cho ăn: 48 giờ sau nhập viện.
  • Đường nuôi: ống thông mũi – dạ dày, mũi – tá tràng, hỗng tràng.
  • Cách nuôi: nhỏ giọt liên tục.
  • Nhu cầu dinh dưỡng: Năng lượng: 15 – 20 kcal/kg cân nặng/ngày, sau đó tăng lên 35 kcal/kg cân nặng/ngày. Protein: 1,2 – 1,5 g/kg cân nặng/ngày. Lipid: 0,7 – 1 g/kg cân nặng/ngày.
  • Nuôi tĩnh mạch: khi đau bụng hay tình trạng bệnh phải nhịn từ 5 – 7 ngày và nuôi tiêu hóa không đủ. Nhu cầu dinh dưỡng giống như nuôi qua ống thông.

* Giai đoạn tập ăn đường miệng: cho ăn lượng nhỏ, tăng dần mỗi bữa, điều chỉnh phụ thuộc dung nạp của người bệnh:

  • Thức ăn dễ tiêu hóa.
  • Chế độ ăn lượng chất béo thấp.
  • Chia nhỏ bữa ăn: 6 bữa/ngày.
  • Khẩu phần đủ protein.
  • Tăng năng lượng.

2.3. Cơ cấu khẩu phần ăn

Viêm tụy cấp thể nhẹ

  • Nuôi ăn đường miệng bắt đầu khi giảm đau, không nôn hoặc buồn nôn.
  • Người bệnh thường được nhịn cho tới khi không đau bụng và hết buồn nôn, nôn (3 – 7 ngày sau nhập viện).
  • Không cần hỗ trợ dinh dưỡng tích cực vì nuôi đường miệng thường bắt đầu sớm.
  • Bắt đầu bằng chế độ ăn hạn chế chất béo nếu người bệnh có thể dung nạp được
  • Nhu cầu các chất dinh dưỡng: Năng lượng: trong những ngày đầu: 15 – 20 kcal/kg cân nặng/ngày, sau đó tăng 25 – 30 kcal/kg cân nặng/ngày phụ thuộc vào mức độ dung nạp của người bệnh. Protein: 1,2 – 1,5 g/kg cân nặng/ngày. Lipid: 0,7 – 1 g/kg cân nặng/ngày.

Viêm tụy cấp thể nặng

  • Nuôi ăn đường ruột bắt đầu sớm ở người bệnh cần dinh dưỡng hỗ trợ, lý tưởng là sau 48 giờ nhịn ăn.
  • Nuôi ăn bằng ống thông mũi dạ dày hoặc ống thông mũi ruột, nuôi tĩnh mạch cần được tránh vì tăng nguy cơ biến chứng nhiễm trùng.

Giai đoạn cấp:

  • Nuôi qua ống thông: Năng lượng: suy đa cơ quan: 15 – 20 kcal/kg cân nặng/ngày, sau đó tăng 35 kcal/kg cân nặng/ngày. Protein: 1,2 – 1,5 g/kg cân nặng/ngày, và chất béo là 0,7 – 1 g/kg cân nặng/ngày. Nuôi qua ống thông với số lượng tăng dần tùy vào mức dung nạp của người bệnh, có thể cần bổ sung bằng đường tĩnh mạch. Nếu nuôi ăn qua ống thông dạ dày không dung nạp được, nên đặt ống thông hỗng tràng.
  • Nuôi tĩnh mạch: Năng lượng: suy đa cơ quan: 15 – 20 kcal/kg cân nặng/ngày sau đó tăng 25 -30 kcal/kg cân nặng/ngày. Protein: 1,2 -1,5 g/kg cân nặng/ngày, 0,8 – 1,2 g/kg cân nặng/ngày nếu có suy gan thận; 1,8g/kg cân nặng/ngày nếu có dị hóa nặng. Chất béo là 0,8 – 1,5 g/kg cân nặng/ngày, nếu triglyceride > 12 mmol/L phải ngưng chất béo 72 giờ. Glucose: 3 – 6 g/kg cân nặng/ngày.

Giai đoạn ăn đường miệng:

  • Khi hết đau bụng, hết buồn nôn, thèm ăn, không biến chứng.
  • Cho ăn lượng nhỏ, tăng dần mỗi bữa, thời gian điều chỉnh 3 – 6 ngày. Ngày 1: nước súp trong hay Oresol, ngày 2: sữa, ngày 3: cháo, ngày 4 cơm nát. Hàm lượng chất béo 0,7 – 1 g/kg cân nặng/ngày.
  • Nuôi qua ống thông với số lượng tăng dần tùy vào mức dung nạp của người bệnh.

 

            TỔ ĐIỀU DƯỠNG – DINH DƯỠNG

        BỆNH VIỆN GTVT TP. HỒ CHÍ MINH