CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH VIÊM GAN
- Khái niệm
Gan là một tạng lớn nhất trong cơ thể, có trọng lượng từ 1500 – 2300g, chia làm 2 phần là gan phải và gan trái. Gan đóng vai trò trung tâm trong chuyển hóa protein, carbohydrate, chất béo và thuốc. Các chức năng khác gồm dự trữ vitamin và khoáng chất, chuyển hóa β Caroten, folate, vitamin D sang dạng hoạt động sinh học, hình thành và bài tiết mật, cân bằng nước và điện giải.
Viêm gan là tình trạng tổn thương tế bào gan do virus hoặc nguyên nhân khác gây ra, có hai loại viêm gan đó là viêm gan cấp và viêm gan mãn tính. Người bệnh bị viêm gan thường có rối loạn tiêu hóa, sốt, nôn mửa, biếng ăn, ỉa phân lỏng. Viêm gan có thể kèm theo vàng da hoặc không vàng da và thường kèm theo các rối loạn khác của bộ máy tiêu hóa. Sự tiến triển của viêm gan rất thay đổi, có khi khỏi hẳn rất nhanh nhưng cũng có khi tiến triển dẫn tới xơ gan hoặc trở thành mạn tính (viêm gan kéo dài từ trên 6 tháng đến nhiều năm được coi là viêm gan mạn tính).
- Chế độ ăn trong điều trị và chăm sóc viêm gan virus cấp
2.1. Khái niệm
Viêm gan virus cấp là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp do các virut viêm gan A, B, C, D, E (HAV, HBV, HCV, HDV, HEV, …) gây ra. Triệu chứng chung là tình trạng nhiễm độc nặng làm người bệnh mệt mỏi nhiều, chán ăn, buồn nôn, có khi bị nôn – sốt – cảm và thấy đau tức vùng hạ sườn phải; vàng da, vàng mắt, gan to đặc biệt trong một số trường hợp có biến chứng như người bệnh có thể bị đau khớp, bị lú lẫn và hôn mê.
2.2. Mục đích
Giảm nhẹ gánh nặng cho chức năng của gan, ngăn ngừa tiếp tục tổn thương và tham gia vào việc giúp gan nhanh hồi phục, tăng cường tái tạo tế bào gan. Bên ạnh đó là dự phòng thiếu hụt dinh dưỡng cho người bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra chế độ ăn còn đảm bảo cho việc tăng trưởng, phá triển tối đa cho cơ thể trong thời gian điều trị. Phòng và điều trị sụt cân.
2.3. Nguyên tắc
Khi cho người bệnh bị viêm gan cần thực hiện các nguyên tắc như sau:
- Khẩu phần ăn phải đảm bảo đầy đủ, cân đối và hợp lý về nguồn gốc thức ăn, chất dinh dưỡng, đậm độ của thức ăn, cách chế biến.
- Trong trường hợp người bệnh không đủ khả năng đưa thức ăn vào cơ thể đảm bảo cho cơ thể đủ năng lượng để hoạt động thì cần phải sử dụng phương pháp nuôi ăn hỗ trợ qua ống thông hoặc đường tĩnh mạch.
- Đối với trẻ em cần tăng cường cho bú sữa mẹ, sử dụng thức ăn được nấu kỹ đảm bảo an toàn thực phẩm, dễ tiêu, đủ năng lượng và hạn chế tối đa dầu mỡ.
- Chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo số lượng thức ăn được đưa vào nuôi dưỡng cơ thể.
- Sử dụng các loại thực phẩm thông dụng có tại địa phương, dễ tiêu, ưu tiên sử dụng thực phẩm có giá trị sinh học cao.
- Tăng cường sử dụng các loại trái cây chín, rau củ.
- Không nên sử dụng các loại thực phẩm lạ không có tại địa phương, thực phẩm mà người bệnh có tiền sử dị ứng.
- Ưu tiên dùng các loại thức ăn được làm chín bằng cách luộc, nấu, hấp, hầm,..không sử dụng các loại thức ăn chế biến bằng phương pháp xào, rán.
- Chế độ ăn trong điều trị và chăm sóc viêm gan mạn
3.1 Khái niệm
Viêm gan mạn là tổn thương mạn tính ở gan có đặc trưng là xâm nhập tế bào viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài trên 6 tháng. Có nhiều nguyên nhân gây viêm gan mạn tính nhưng nguyên nhân do virus viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu
3.2 Mục đích
Giảm nhẹ gánh nặng chức năng cho gan, làm chậm/phòng ngừa quá trình tiến triển thành xơ gan, giúp thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào gan. Dự phòng và cải thiện dinh dưỡng đồng thời hỗ trợ quá trình tăng trưởng và phát triển tối ưu cho trẻ trong thời gian bị bệnh.
3.3. Nguyên tắc
- Đảm bảo đủ năng lượng, dưỡng chất phục vụ cho duy trì các hoạt động sống và chống lại bệnh của cơ thể.
- Tỷ lệ cân bằng năng lượng, chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ Protein: Lipid: Glucid.
- Ngoài chất dinh dưỡng sinh năng lượng cần đảm bảo đầy đủ các loại vitami, chất khoáng, chất điện giải cho cơ thể.
- Chia nhỏ bữa ăn khi cần thiết, đảm bảo lượng thức ăn ăn vào cơ thể phải đảm bảo đủ lượng năng lượng và cơ thể có khả năng hấp thu, tiêu hóa được.
- Ưu tiên sử dụng nguồn protein có giá trị sinh học cao, các loại chất béo dễ hấp thu, nguồn tinh bột thông dụng có nhiều chất xơ hòa tan như gạo xay, ngô, khoai.
- Tăng cường ăn các loại trái cây, rau củ tươi có nhiều vitamin và chất khoáng, uống đủ lượng nước theo khuyến cáo.
- Hạn chế dùng các loại mỡ động vật bốn chân đặc biệt là mỡ nội tạng và không uống bia rượu.
TỔ ĐIỀU DƯỠNG – DINH DƯỠNG
BỆNH VIỆN GTVT TP. HỒ CHÍ MINH