CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
Tai biến mạch máu não (TBMMN) là một trong những bệnh lý thần kinh cấp tính phổ biến và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, để lại nhiều di chứng. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), định nghĩa TBMMN là sự xuất hiện đột ngột các tổn thương thần kinh khu trú, kéo dài hơn 24 giờ, đã loại trừ các tổn thương thần kinh khác không do mạch máu. Nguy cơ TBMMN tăng lên theo tuổi tác. TBMMN có 2 thể: xuất huyết não (Haemorrhagic stroke) và thiếu máu não thoáng qua (TIA-Transient Ischemic Attack)
- Suy dinh dưỡng được định nghĩa là “tình trạng do thiếu các chất dinh dưỡng dẫn đến thay đổi thành phần cơ thể và khối lượng tế bào cơ thể dẫn đến suy giảm chức năng thể chất và tinh thần và ảnh hưởng tới các điều trị bệnh. Suy dinh dưỡng ở người bệnh TBMMN làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị. Người bệnh TBMMN có nguy cơ suy dinh dưỡng do suy giảm khả năng ăn uống do rối loạn ý thức, vấn đề nuốt, mất ổn định tư thế, giảm vận động, hạn chế trong giao tiếp, mệt mỏi, trầm cảm và suy giảm thị giác. Tỷ lệ suy dinh dưỡng được xác định ở các người bệnh TBMMN cấp tính tại thời điểm nhập viện dao động từ 3,8-32%; tỷ lệ này đạt tới 7,5-35% vào cuối tuần đầu tiên nằm viện. Nguy cơ suy dinh dưỡng trong vòng hai tuần sau khi TBMMN tăng gần hai lần và càng gia tăng ở giai đoạn mãn tính. Suy dinh dưỡng rất phổ biến ở người bệnh sau TBMMN ở các trung tâm phục hồi chức năng và tỷ lệ suy dinh dưỡng có thể tăng lên đến 30-49% trong giai đoạn mãn tính.
- Rối loạn nuốt là triệu chứng thường gặp ở người bệnh TBMMN tỷ lệ rối loạn nuốt dao động 30-65% tùy vào công cụ chẩn đoán. Thường gặp ở giai đoạn sớm sau TBMMN, tỷ lệ này giảm dần ở những giai đoạn sau của bệnh. Thường vào cuối tháng thứ sáu sau khi bị bệnh, có khoảng 13% người bệnh có chưa thể bắt đầu ăn uống trở lại bình thường và chứng khó nuốt trở nên vĩnh viễn ở gần 3% người bệnh và họ cần được hỗ trợ dinh dưỡng đường ruột (mở thông dạ dày) lâu dài. Các biến chứng chính của chứng khó nuốt liên quan đến TBMMN là viêm phổi do hít sặc, mất nước, suy dinh dưỡng, kéo dài thời gian nằm viện, thời gian phục hồi lâu hơn, ngoài ra còn gây ra ảnh hưởng tới tâm lý của người bệnh.
Chẩn đoán sớm rối loạn nuốt là quan trọng ở người bệnh TBMMN giúp ngăn ngừa các biến chứng, chủ yếu là viêm phổi.
Nhu cầu dinh dưỡng: Đo nhiệt lượng gián tiếp là tiêu chuẩn vàng để ước tính năng lượng cung cấp cho người bệnh. Nhưng trên thực tế lâm sàng ít sử dụng, nhu cầu năng lượng ước tính cho người bệnh TBMMN khoảng 25- 30kcal/kg/ngày.
Nhu cầu glucid: nếu có bệnh đái tháo đường kèm theo nên kiểm soát lượng Glucid và lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
Nhu cầu protein hàng ngày được tính là 1-1,5 gr/ kg/ ngày.
Nhu cầu protein tăng lên đặc biệt ở những người bệnh cần tăng cường ở những người bệnh cần lành vết thương, tăng cường miễn dịch, suy dinh dưỡng có thể lên đến 2 gram/kg/ngày.
Nhu cầu lipid: 20-25%, lượng acid béo no nên hạn chế <10% tổng năng lượng và lượng Cholesterol < 300 mg/ngày
Nhu cầu dịch: 30ml/kg/ngày
Đường nuôi dưỡng: Trong giai đoạn TBMMN cấp, mức độ nặng mà huyết áp chưa ổn định (Huyết áp trung bình <60mmHg) hoặc đang phải dụng thuốc vận mạch liều cao, không có nguy cơ suy dinh dưỡng có thể cân nhắc trì hoãn nuôi dưỡng đường ruột.
Dinh dưỡng đường miệng: Những người bệnh TBMMN không bị hôn mê, có khả năng ăn đường miệng mà không có những nguy cơ gây nguy hiểm cho người bệnh thì vẫn ưu tiên dinh dưỡng đường miệng (Oral feeding).
Nếu người bệnh ăn đường miệng không đáp ứng đủ nhu cầu, việc bổ sung sản phẩm dinh dưỡng đường miệng (ONS) cao năng lượng, cao protein phù hợp với khẩu vị của người bệnh là cần thiết.
Với người bệnh ăn đường miệng có nghẹn, sặc nhiều cần được hội chẩn chuyên khoa để đánh giá rối loạn nuốt, từ đó chế biến món ăn, nước uống phù hợp với tình trạng rối loạn nuốt của người bệnh. dựa trên phân độ thức ăn của Chế độ ăn rối loạn nuốt quốc tế (IDDSI)
Dinh dưỡng đường ruột ( Enteral feeding) nên được bắt đầu ở các người bệnh TBMMN ăn đường miệng không đáp ứng đủ nhu cầu hoặc không thể cho ăn bằng miệng do suy giảm ý thức cần thở máy hoặc rối loạn chức năng thần kinh nghiêm trọng, rối loạn nuốt nặng ,nhiều yếu tố nguy cơ bất lợi nếu ăn đường miệng. Tùy vào dự kiến thời gian tiên lượng phải nuôi dưỡng đường ruột mà lựa chọn dinh dưỡng qua sonde hay mở thông dạ dày. Nếu nuôi dưỡng đường ruột cần kéo dài trên 4 tuần thì cân nhắc nuôi dưỡng qua mở thông dạ dày cho người bệnh. Dinh dưỡng đường ruột có thể được nuôi nhỏ giọt liên tục hoặc nuôi ngắt quãng. Dinh dưỡng đường ruột nhỏ giọt liên tục giúp giảm nguy cơ hít phải, viêm phổi và tiêu chảy, giảm nhiễm khuẩn từ thức ăn và giảm chi phí chăm sóc . Vì vậy, nhỏ giọt liên tục được ưu tiên ở người bệnh đột quỵ nhập viện. Cho ăn đường ruột ngắt quãng có thể được ưu tiên ở những người bệnh chuẩn bị xuất viện , được lên kế hoạch nuôi dưỡng đường ruột tại nhà. Tuy nhiên, trước khi chuyển sang cho ăn ngắt quãng, người bệnh nên đạt được mục tiêu đạt nhu cầu năng lượng khi nuôi dưỡng liên tục. Cần chú ý nâng cao đầu người bệnh lên 30 – 45 độ để giảm nguy cơ hít sặc khi nuôi dưỡng đường ruột.
Dinh dưỡng tĩnh mạch: không được coi là chỉ định thường quy trong nuôi dưỡng người bệnh TBMMN. Chỉ định dinh dưỡng tĩnh mạch chỉ nên thực hiện khi có chống chỉ định dinh dưỡng đường miệng, đường ruột, hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu.
- Các loại sản phẩm dinh dưỡng
Người bệnh TBMMN sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng đa phân tử (polymeric) được khuyến nghị. Các sản phẩm chuyên biệt được sử dụng tùy khi người bệnh có xuất hiện tình trạng rối loạn hấp thu và/hoặc có các bệnh lý mắc kèm theo nếu có. Sản phẩm có hàm lượng cao các amino acid phân nhánh (valine, leucine, isoleucine), ít axit thơm (tyrosine, phenylalanin, methionin, tryptophan) được dùng hỗ trợ các trường hợp TBMMN có kèm theo suy gan, hoặc các sản phẩm hạn chế protein, bổ sung acid amin cần thiết sử dụng cho người bệnh có suy thận kèm theo.. Đối với người bệnh đái tháo đường, sản phẩm có hàm lượng carbohydrate thấp, tăng protein và chất béo, và chứa axit béo không bão hòa đơn (MUFA) được sử dụng.
Các sản phẩm nguyên tố và bán nguyên tố, chất béo chỉ chiếm 1-12% năng lượng. Chúng làm giảm tiết dịch tụy, mật và ruột, và lượng phân. Chúng có thể được sử dụng trong các bệnh lý ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa hoặc hấp thụ.
- Chăm sóc dinh dưỡng dự phòng tai biến mạch máu não thứ phát
Cần đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho những người bệnh TBMMN sau khi xuất viện. Thừa cân hay suy dinh dưỡng đều gây ra những nguy cơ tái phát TBMMN sau này. Duy trì cân nặng lý tưởng giúp dự phòng TBMMN thứ phát. Kiểm soát tốt các bệnh nền nếu có là vấn đề ưu tiên trong dự phòng TBMMN thứ phát.
Tư vấn chế độ dinh dưỡng trong Đái tháo đường, Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu nếu người bệnh có mắc kèm theo. Nên giảm khẩu phần muối ăn xuống dưới 5g/ngày, nếu giảm dưới 4g/ngày có thể giảm huyết áp được nhiều hơn. Người bệnh đã mắc TBMMN nên ăn chế độ ăn Địa Trung hải (DASH).
Chế độ ăn Địa trung hải với đặc điểm tăng cường lượng rau, quả chín và ngũ cốc toàn phần, các sản phẩm sữa tách béo, các loại gia cầm, cá, đậu đỗ, dầu oliu, và các loại hạt. Chế độ ăn này cũng hạn chế đường, đồ ngọt và các loại thịt đỏ. Giúp kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đường máu, từ đó giảm nguy cơ tái phát TBMMN.
TỔ ĐIỀU DƯỠNG – DINH DƯỠNG
BỆNH VIỆN GTVT TP. HỒ CHÍ MINH