CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH SUY TIM

CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH SUY TIM

  1. Khái niệm

Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả của tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng quả tim; dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc tống máu (suy tim tâm thu).

Hiện nay bệnh suy tim ngày càng trở lên phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới và phân bố ở các lứa tuổi khác nhau đặc biệt nhiều ở người cao tuổi và người có thừa cân béo phì và các bệnh lý mãn tính khác.

  1. Mục tiêu chăm sóc

Chăm sóc dinh dưỡng nhằm giảm gánh nặng cho tim, hỗ trợ điều chỉnh rối loạn nước và điện giải và phòng và điều trị suy dinh dưỡng hoặc béo phì (nếu có).

  • Nguyên tắc chăm sóc dinh dưỡng
  • Chăm sóc dinh dưỡng cần cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để phòng béo phì, suy dinh dưỡng và suy mòn, với mức năng lượng: 25 – 35 Kcal/kg cân nặng/ngày và protein: 1 – 1,2 g/kg cân nặng/ngày.
  • Khi người bệnh có kèm các bệnh lý khác, điều chỉnh phù hợp tình trạng bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng và mức dung nạp của người bệnh, chú ý đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng đối với các người bệnh suy tim có suy mòn kèm theo hoặc tránh thừa năng lượng với người bệnh bị thừa cân, béo phì.
  • Chế độ chăm sóc dinh dưỡng cần giảm gánh nặng cho tim bằng cách hạn chế natri, hạn chế dịch và kiểm soát trọng lượng cơ thể.
  • Với các người bệnh ăn đường miệng, cần chia nhỏ nhiều bữa, đặc biệt giúp người bệnh dễ dung nạp chế độ ăn khi có chán ăn và khó thở.
  • Chế độ ăn được bổ sung thức ăn giàu năng lượng, giàu dinh dưỡng hoặc các dung dịch bổ sung.
  • Lượng natri: < 2000mg/ngày và nhu cầu dịch: tùy theo tình trạng của người bệnh và do bác sĩ chỉ định.
    • Lựa chọn thực phẩm

Lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, các loại thực phẩm giàu kali: khoai tây, các loại rau họ cải, su hào, súp lơ, các loại hoa quả (phụ lục 13), hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm nhiều muối (phụ lục 12) như thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhiều muối: mỳ ăn liền, đồ hộp, xúc xích, lạp xưởng và hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm nhiều chất béo no, chất béo đồng phân Trans, nhiều cholesterol.

  • Thực đơn tham khảo
Giờ ăn Món ăn
6.30 – 7.00 Phở thịt gà:

Bánh phở: 120g, thịt gà: 40g, nước dùng (100ml) Hành lá, rau thơm, chanh

9.00 Sữa bổ sung dinh dưỡng pha chuẩn 100ml
11 – 11.30 Cơm lưng bát con (gạo tẻ 50g)

Trứng rán: Trứng gà ta 1 quả: 45g

Đậu phụ luộc: đậu phụ 50g

Su su xào: Su su: 150g, dầu ăn: 7ml

Canh cải xanh (100ml): cải xanh 50g

Quýt ngọt: 100g (cả vỏ)

15.00 Cháo thịt nạc: 1 bát con

Gạo tẻ: 30g

Thịt lợn nạc: 25g Dầu ăn: 5ml Hành lá

17.30 – 18.00 Cơm lưng bát con (gạo tẻ 40g)

Thịt bò xào cần tỏi: Thịt bò: 50g, cần tỏi tây: 30g, dầu ăn: 5ml

Canh rau ngót nấu thịt (100ml):

Rau ngót 50g, thịt 10g

Hồng xiêm: 100g

21.00-21.30                                       Sữa bổ sung dinh dưỡng pha chuẩn: 100ml
Lưu ý Gia vị dùng trong chế biến muối (3 – 4 g) hoặc nước mắm (15 – 20 ml).

Nước uống trong ngày: 6 – 7 cốc (200ml/cốc)

Giá trị dinh dưỡng Năng lượng: 1605 Kcal

Protein: 70(g); glucid: 239(g;) lipid: 41(g)

Calci: 606(mg) Fe: 18,3(mg) Zn:10,3 (mg) xơ: 9,2(g) Natri: 1561 – 1961 (mg) kali: 2461(mg) cholesterol: 285(mg) Dịch: 2l

 

            TỔ ĐIỀU DƯỠNG – DINH DƯỠNG

        BỆNH VIỆN GTVT TP. HỒ CHÍ MINH