CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG

CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG

  1. Khái niệm

Loét dạ dày-tá tràng là bệnh phổ biến ở nước ta cũng như trên thế giới, ổ loét là do sự phá hủy một vùng có giới hạn nhỏ làm mất lớp niêm mạc dạ dày-tá tràng, có thể lan xuống lớp dưới niêm mạc, lớp cơ, thậm chí đến lớp thanh mạc và có thể gây thủng.

Dạ dày là nơi chứa và nghiền nát thức ăn trước khi thức ăn được đưa xuống các đoạn sau của ống tiêu hóa để hấp thu, chuyển hóa, đồng hóa thành dưỡng chất nuôi cơ thể. Dạ dày có nguy cơ cao bị tổn thương do yếu tố lý học, hóa học hay sinh học, đó chính là quá trình phá hủy cục bộ niêm mạc dạ dày-tá tràng. Các bệnh lý thường gặp ở dạ dày là viêm loét dạ dày-tá tràng, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày.

Đặc điểm chính của các bệnh ở dạ dày là bệnh mạn tính, diễn biến có chu kỳ, xu hướng hay tái phát và dễ gây biến chứng nguy hiểm như chảy máu hay thủng, ung thư dạ dày… Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc, làm giảm sút sức lao động của toàn xã hội.

  1. Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh loét dạ dày-tá tràng

2.1. Mục đích

  • Chế độ ăn trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng nhằm mục đích
  • Làm giảm tiết acid, giảm tác dụng của acid dạ dày tiết ra lên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại
  • Giúp dạ dày được nghỉ ngơi và tạo điều kiện phục hồi tổn thương sớm.
  • Hỗ trợ các liệu pháp điều trị và giúp bắt kịp đã tăng trưởng theo lứa tuổi (với trẻ em).

2.2. Nguyên tắc

Giảm co bóp

  • Sử dụng các thực phẩm mềm, lỏng có khả năng bao bọc niêm mạc dạ dày và phù hợp với từng người.
  • Không nên sử dụng các thực phẩm nóng quá hay lạnh quá vì thức ăn lạnh quá làm dạ dày co bóp mạnh hơn; thức ăn nóng quá làm niêm mạc dạ dày có thể bị tổn thương và dạ dày cũng co bóp mạnh lên.
  • Nhiệt độ phù hợp cho bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng là 40-500C: vừa dễ tiêu hóa, hấp thu mà không gây tổn thương cũng như tăng co bóp của dạ dày

Giảm tiết dịch dạ dày

  • Không để bụng đói
  • Không ăn quá no
  • Hạn chế nước luộc thịt, nước hầm thịt; thức ăn có nhiều mùi vị như thịt quay, thịt muối, cá muối, …
  • Hạn chế hoặc không sử dụng các thức ăn cay, nóng, chua
  • Hạn chế hoặc không uống rượu, bia, cà phê, chè đặc, thuốc lá, thuốc lào
  • Giữ tinh thần thoải mái, làm việc vừa sức, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng tinh thần (stress)

Đảm bảo đủ năng lượng, cân đối, hợp lý các thức ăn

  • Trong giai đoạn cấp tính: Cần cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng đáp ứng tối đa mà từng người có thể dung nạp
  • Với giai đoạn ổn định: Tăng dần năng lượng và các chất dinh dưỡng phù hợp; nhưng cần chú ý cung cấp các thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu các loại vitamin min và khoáng như can xi, sắt, kẽm, B12, folic, vitamin A, D, …

2.3. Điều kiện lựa chọn thực phẩm

Thức ăn ưu tiên sử dụng

  • Các thức ăn có tác dụng giảm tiết dịch vị: chất ngọt (đường, bánh, kẹo, …) và chất béo (dầu thực vật, bơ)
  • Các thức ăn có tính bọc niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị như bánh mỳ, bánh quy, gạo nếp, khoai ninh nhừ, … Những thức ăn này vừa mềm, dễ tiêu hóa, hấp thu vừa có tác dụng kiềm hóa, giảm tác dụng của dịch vị.
  • Sữa, trứng có tác dụng đệm, trung hòa dịch vị: nên uống sữa ấm; trứng nên cho vào cháo hoặc sử dụng dạng luộc; nhưng cũng nên sử dụng khoảng 2-4 lần/tuần. Có thể sử dụng sữa chua trong giai đoạn bệnh ổn định.
  • Các thực phẩm giàu đạm khác như: thịt nạc, cá nạc, tôm, … nên chế biến dạng luộc, hấp, kho, om nhừ. Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn là nguồn cung cấp kẽm, giúp lành vết thương và hỗ trợ ngon miệng, …
  • Rau, củ tươi, hoa quả chín: đây là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nên dùng dạng lá, củ non và khi chế biến nên ninh nhừ; hoa quả nên ăn quả chín, ít chua
  • Sử dụng các bơ, các loại dầu thực vật với số lượng phù hợp (5-10ml/bữa) có tác dụng giảm tiết dịch vị. Nên chọn dầu của các loại hạt: hướng dương, lạc, vừng…

Thức ăn nên hạn chế sử dụng

  • Thực phẩm có độ acid cao, đồ chua: bún, dưa cà muối, hành muối; quả chua (chanh, cam, bưởi); sữa chua (ăn quá nhiều, ăn khi đói); vitamin C, giấm, mẻ, các đồ uống có vị chua (nước chanh, nước mơ, …) … vì những thực phẩm này sẽ kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị, gây tổn thương niêm mạc dạ dày, làm vết thương khó lành
  • Các loại thực phẩm sinh hơi: nước uống có gas; các loại đậu đỗ; dưa cà, muối, …
  • Các loại đồ uống có cồn và chứa chất kính thích: rượu, bia, cà phê, …
  • Các loại gia vị cay, nóng: ớt, tỏi, hạt tiêu, …
  • Thức phẩm chế biến sẵn: giăm bông, lạp xường, xúc xích, …
  • Thực phẩm chứa nhiều dầu: xào, rán, nướng, quay, …
  • Thức ăn cứng, dai: rau già, măng, rau cần, …
  • Đối với người bệnh mắc viêm loét dạ dày tá tràng, cần được chia nhỏ bữa ăn trong ngày, từ 4-6 bữa. Ăn nhiều bữa để thường xuyên có tác dụng trung hòa acid, mỗi bữa nên ăn nhẹ để khỏi gây căng dạ dày vì căng dạ dày dễ kích thích tiết nhiều acid. Ăn kỹ, nhai chậm. Thực phẩm nên được thái nhỏ, nghiền nát, xay nhỏ, nấu chín, ninh nhừ, chế biến ở dạng lỏng để dễ tiêu hóa, (hạn chế xào, rán, chế biến sẵn. Nên nghỉ ngơi sau khi ăn, không nên vận động mạnh).

 

            TỔ ĐIỀU DƯỠNG – DINH DƯỠNG

        BỆNH VIỆN GTVT TP. HỒ CHÍ MINH