CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH (COPD)

CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH (COPD)

  1. Khái niệm

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD ) tên tiếng Anh là Chronic Obstructive Pulmonary Disease, viết tắt là COPD, là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của những bất thường đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây COPD . Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh.

COPD là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới dẫn đến gánh nặng kinh tế xã hội ngày càng gia tăng. Dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học, số ca mắc COPD ước tính là khoảng 385 triệu năm 2010, với tỷ lệ mắc trên thế giới là 11,7% và khoảng 3 triệu ca tử vong hàng năm. Ở Việt Nam nghiên cứu về dịch tễ học của COPD năm 2009 cho thấy tỷ lệ mắc ở người >40 tuổi là 4,2%.

  1. Mục đích

Mục đích của việc thực hiện chế độ ăn cho người bệnh COPD là xây dựng và đánh giá được hiệu quả của các can thiệp dựa vào đặc điểm chuyển hóa của từng cá thể. Do đó, đánh giá về trọng lượng và thành phần cơ thể là quan trọng, cùng với các đánh giá về khối cơ, xương, khối mỡ cơ thể; sự thay đổi về cân nặng và thay đổi về thành phần cơ thể; sự thay đổi về cân nặng trong 6 tháng qua, thay đổi cân nặng trong thời gian gần đây kết hợp đánh giá BMI theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

Bên cạnh đó cũng cần đánh giá xem người bệnh có sarcopenia hay không, dựa vào đánh giá sự sụt giảm khối cơ, cơ lực và hoạt động chức năng của cơ.Các công cụ đánh giá dinh dưỡng khác cũng hữu ích với người bệnh COPD như MST, MNA (Mini Nutritional Assessment)và Subjective Global Assessment (SGA). Đồng thời, việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng cũng cần lưu ý tới tiền sử y học (các thuốc đã sử dụng, chức năng phổi, khả năng dung nạp với các biện pháp gắng sức), tiền sử chế độ ăn (thói quen ăn, thói quen lựa chọn thực phẩm, thành phần bữa ăn, các thực phẩm dịứng) cùng với đánh giá stress về thể chất, tình trạng protein khối cơ, khối nạc, khối mỡ, hệ xương

  1. Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh COPD

Đường nuôi dưỡng

Hỗ trợ nuôi đường ruột: Theo hướng dẫn của Hội nuôi dưỡng đường ruột và đường tĩnh mạch Châu Âu (ESPEN- 2006) về hỗ trợ dinh dưỡng đường tĩnh mạch cho người bệnh tim mạch và hô hấp, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở người bệnh COPD giao động từ 25- 40%, người bệnh suy dinh dưỡng và khối cơ thấp có tiên lượng xấu. Các bằng chứng về các dịch nuôi đặc biệt ít carbohydrate, giàu chất béo hay giàu protein có hiệu quả hơn người bệnh COPD giai đoạn ổn định. Người bệnh nên được ăn theo từng bữa nhỏ để tránh khó thở và mệt sau khi ăn.

Theo hướng dẫn của Hội nuôi dưỡng đường ruột và đường tĩnh mạch Châu Âu (ESPEN- 2009) về hỗ trợ dinh dưỡng đường tĩnh mạch cho người bệnh tim mạch và hô hấp, do không có bằng chứng cho thấy có giảm chức năng đường ruột ở người bệnh COPD , do đó cần cân nhắc hỗ trợ nuôi đường ruột do đây là đường nuôi ít tốn kém hơn, hạn chế các biến chứng hơn so với nuôi đường tĩnh mạch. Nuôi đường ruột nên được coi là tiếp cận ưu tiên cho những người bệnh COPD cần được hỗ trợ dinh dưỡng.Đồng thời có ít bằng chứng cho thấy những người bệnh dung nạp đường tiêu hóa kém có thể được cải thiện khi nuôi bằng đường tĩnh mạch. Trong khi đó, sụt cân có liên quan với tăng tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong, mà các nghiên cứu vẫn còn hạn chế, do đó khó có thể khẳng định việc cải thiện tiên lượng cho người bệnh bằng hỗ trợ nuôi qua đường tĩnh mạch.

Ở những người bệnh COPD ổn định, dịch nuôi tĩnh mạch sử dụng glucose còn gây tăng tải CO2, do đó nên tính tới việc thay thế bằng lipid để cung cấp năng lượng cho người bệnh, mặc dù cho tới nay vẫn chưa có khuyến nghị dựa vào bằng chứng về việc sử dụng lipid cho nhóm người bệnh này..

Nhu cầu năng lượng

Nhu cầu năng lượng có thể được tính toán bằng cách sử dụng nhiệt lượng gián tiếp hoặc phương trình Harris-Benedict. Để cung cấp năng lượng đầy đủ và tránh sút cân cho người bệnh nên sử dụng hệ số bệnh lý và hệ số hoạt động từ 1,2 đến 1,3.

Cung cấp đủ năng lượng để giảm thiểu nguy cơ sụt cân không mong muốn, tránh mất trọng lượng cơ thể không bao gồm khối mỡ (Fat-free-mass: FFM), ngăn ngừa suy dinh dưỡng và cải thiện tình trạng phổi: Việc giảm cân và giảm khối cơ, xương (FFM) ảnh hưởng xấu đến hơi thở bằng cách giảm sức mạnh và chức năng của cơ hô hấp và xương.

Nhu cầu Protein

Để bảo tồn khối nạc, mục tiêu với người bệnh COPD là cần cung cấp đủ năng lượng và cân đối về protein, lipid trong khẩu phần. Glucocorticoid dùng trong điều trịCOPD đóng vai trò quan trọng trong việc gây nên Hội chứng mất khối cơ do ức chế tổng hợp protein, thúc đẩy dị hóa protein. Nên áp dụng nhu cầu khuyến nghị về protein cho người bệnh suy dinh dưỡng hoặc điều trị bằng glucocorticoid liều cao và nhu cầu protein cân đối cho người bệnh có thể trạng bình thường. Thông thường, ngưỡng protein khuyến nghị cho người bệnh COPD dao động từ 1,2-1,7g/kg cân nặng thực tế hoặc 20% tổng năng lượng.

Vai trò của acid béo

Acid béo Omega-3 đã được biết tới với khả năng giúp chống viêm và có những hiệu quả nhất định với người bệnh COPD . Tuy nhiên sự kết hợp giữa omega-3 với omega-6 trong tăng hiệu quả chống viêm ở người bệnh COPD còn có nhiều tranh cãi. Theo tác giả Anna MariaGiudetti (2012), hiệu quả chống viêm của omega-3 sẽ tăng lên nếu có sự cân đối giữa omega-3 và omega-6 do phòng ngừa sản sinh các yếu tố tiền viêm. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu đánh giá khẩu phần ăn của 250 người bệnh COPD giai đoạn ổn định trong vòng 2 năm của nhóm tác giả Jordi de Batlle và cộng sự (2012) cho thấy nếu khẩu phần ăn hàm lượng omega-3 cao hơn thì hàm lượng các cytokine gây viêm huyết thanh thấp hơn, trong khi khẩu phần ăn hàm lượng omga-6 cao hơn thì hàm lượng các cytokine gây viêm lại tăng lên. Và cho tới nay hiện tại vẫn chưa có khuyến nghị cụ thể về hàm lượng omega-3 cũng như omega-6 khẩu phần.

Vai trò vitamin và chất khoáng

Liệu pháp chống oxy hóa: Sử dụng thực phẩm có chất chống ô xy hóa như khói thuốc lá có chứa các gốc tự do và các chất oxy hóa khác có thể dẫn đến oxy hóa, viêm và giảm lưu lượng khí vào phổi. Cần giảm gốc tựdo, giảm viêm. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bệnh tiếp tục hút thuốc có nồng độ vitamin C trong huyết thanh thấp. Mối liên quan thuận chiều giữa việc tăng cường chế độ ăn uống vitamin C và chức năng phổi.

Những người hút thuốc, cũng như những người bệnh đã từng bị bệnh phổi cấp tính, có nồng độ chất chống oxy hóa trong huyết tương thấp hơn (như acid ascorbic, vitamin E, beta-carotene, selen) và không có sự cân bằng giữa chất oxy hóa và chất chống oxy hóa là một yếu tố đóng góp đáng kể đối với mô hình bệnh tật. Tiêu thụ trái cây tươi và rau quả: cải thiện chức năng phổi và khả năng vận động.

Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh

Cần thay đổi món ăn để người bệnh dễ ăn, bổ sung dịch vừa đủ và ăn chế độ ăn giàu chất xơ nhưng dễ nhai giúp kích thích nhu động ruột.

Nếu có hiện tượng đầy hơi thì nên hạn chế các thực phẩm dễ sinh hơi trong quá trình tiêu hóa.Cần hướng dẫn người bệnh và gia đình các cách giúp người bệnh tăng cảm giác ngon miệng, đẩy mạnh ăn thực phẩm bằng đường miệng và giảm thiểu cảm giác mệt mỏi khi chế biến thức ăn và khi ăn.

Một số người bệnh cần được thở oxi khi ăn, ăn từ từ, nhai kỹ và giao lưu trò chuyện khi ăn cũng giúp tăng cảm giác ngon miệng.

Để phòng ngừa hiện tượng sặc trong khi ăn thì cần phối hợp nhịp nhàng giữa thực hiện động tác thở với nhịp nuốt và tư thế ngồi ăn hợp lý.

Những trường hợp cần thiết thì có thể thực hiện nuôi dưỡng đường tiêu hóa hoặc sử dụng các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng đường miệng.

Cần phải nhớ rằng tình trạng dinh dưỡng của người bệnh có thể được cải thiện khi nuôi bằng đường tiêu hóa nhưng có thể gây tác động ngược nếu ngừng nuôi.

Và bên cạnh những nguy cơ tiềm ẩn của sặc khi nuôi dưỡng người bệnh qua đường tiêu hóa thì còn có nhiều nguy cơ đe dọa khác cần phải được cân nhắc. Ngay cả ở người khỏe mạnh thì tiêu thụ oxy cũng giảm 15% đến 25% khi ngủ.

Rất ít khi phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch cho người bệnhCOPD .

Hạn chế đồ uống có caffein: caffein có thể gây trở ngại cho một số loại thuốc và gây lo lắng hoặc bồn chồn..

 

            TỔ ĐIỀU DƯỠNG – DINH DƯỠNG

        BỆNH VIỆN GTVT TP. HỒ CHÍ MINH